Chi tiết

5 thông tin quan trọng về kỳ thi ĐH 2014

Những thắc mắc này đã được Tuổi Trẻ chuyển đến trưởng ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Sau đây Tuổi Trẻ xin trích dẫn những vấn đề mà các thí sinh, phụ huynh quan tâm sau khi kỳ thi tuyển sinh ĐH diễn ra, được Bộ GD-ĐT giải đáp.

1. Điểm thi sẽ cao hơn?

Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng nhiều mức điểm xét tuyển, do đó theo Thứ trưởng Ga, việc xác định các mức điểm xét tuyển sẽ dựa vào số phần trăm thí sinh đạt yêu cầu. Bộ không ấn định từ đầu mức điểm xét tuyển trên cao hơn mức liền kề mấy điểm, mà độ chênh lệch điểm giữa các mức này có thể khác nhau phụ thuộc phổ điểm kết quả thi của thí sinh. Thí sinh chỉ cần hình dung đơn giản: mức xét tuyển cao dành cho các trường tốp đầu, mức xét tuyển trung bình dành cho các trường tốp giữa và mức xét tuyển thấp dành cho những trường còn lại. Sự phân chia các mức khác nhau nhằm mục tiêu phân khúc nguồn tuyển, giúp các trường giảm bớt khó khăn trong tuyển đủ chỉ tiêu như những năm trước đây.

Hiện tại khó có thể khẳng định chuẩn xác phổ điểm như thế nào vì tất cả phải chờ đợi kết quả chấm thi. Tuy nhiên, qua phản ảnh của thí sinh và các chuyên gia giáo dục, có thể dự báo đỉnh phổ điểm thi các môn (điểm thi mà nhiều thí sinh đạt được nhất - PV) năm nay sẽ dịch sang bên phải và phân bố đều hơn năm ngoái (đồng nghĩa với việc thí sinh đạt điểm thi cao sẽ nhiều hơn - PV). Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xác định các mức điểm xét tuyển cơ bản của hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào - Bộ GD-ĐT.

2. Thay đổi cấu trúc đề thi: có lợi cho thí sinh

 

"Sự thành công của công tác đề thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cho phép chúng ta tính toán thực hiện một kỳ thi quốc gia với hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu để tuyển sinh ĐH, CĐ. Hình hài một kỳ thi như vậy đã tương đối rõ nét. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án của kỳ thi và sẽ đưa ra tham khảo ý kiến dư luận trong thời gian tới"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐTBÙI VĂN GA

 

Với câu hỏi liên quan đến các thắc mắc về thay đổi cấu trúc đề thi tuyển sinh năm nay tại sao Bộ GD-ĐT không công bố trước, để nhiều thí sinh rơi vào trạng thái bất ngờ, Thứ trưởng Ga cho biết điều này có lợi cho thí sinh ở chỗ trong bài làm thí sinh chỉ tập trung kiến thức trong phần giao thoa của chương trình cơ bản và chương trình nâng cao. Chưa kể khi chỉ còn phần chung, thí sinh có thể tập trung làm bài ngay từ đầu, không phải phân vân lựa chọn câu này hay câu kia. Sự thay đổi này cũng giúp thí sinh tránh bị mất điểm oan do vô ý làm một vài câu trong phần tự chọn còn lại dẫn đến phạm quy và bị trừ điểm.

Theo lý thuyết, nếu ban đề thi chọn những vấn đề liên quan đến phần kiến thức khác biệt của hai chương trình thì đề thi sẽ có phần tự chọn. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh quy định đề thi nằm trong chương trình phổ thông, nghĩa là không có giới hạn chương trình. Do đó, nếu quy định từ trước đề thi chỉ có phần chung thì mặc nhiên những phần kiến thức khác biệt của hai chương trình sẽ bị loại bỏ. Điều này không đúng với quy chế hiện hành, đồng thời gây hổng kiến thức ở bậc THPT khi thí sinh sẽ “chọn lọc” kiến thức trong khi ôn thi.

3. Đảm bảo quyền lợi ưu tiên khu vực, đối tượng cho thí sinh

Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đến các trường hướng dẫn tiếp tục điều chỉnh sai sót ưu tiên đối tượng và khu vực của thí sinh cho đến khi các trường công bố kết quả thi. Như vậy, khi các trường chuyển dữ liệu kết quả tuyển sinh về bộ để hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào xem xét tư vấn cho bộ trưởng các mức điểm xét tuyển thì điểm ưu tiên của thí sinh đã được điều chỉnh theo quy định. Điều chỉnh diện ưu tiên theo quy định mới chỉ liên quan đến khoảng 15% địa phương thuộc KV1. Bộ đã chuyển cho các trường danh sách trường THPT và xã thuộc KV1 để các trường điều chỉnh ưu tiên thí sinh nếu có sai sót. Dựa trên dữ liệu này, các trường có thể rà soát điều chỉnh diện ưu tiên cho thí sinh mà không gặp khó khăn gì. Sau khi công bố kết quả thi, nếu thí sinh nào thấy trường chưa xác định đúng diện ưu tiên của mình thì liên lạc với trường để điều chỉnh. Quyền lợi ưu tiên của thí sinh luôn được bảo đảm và thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm về việc này.

4. Tháng 8: công bố điểm chuẩn trúng tuyển

Theo lịch tuyển sinh, các trường phải hoàn tất việc chấm thi và chuyển dữ liệu kết quả thi về bộ trước ngày 1-8. Một số trường có thể công bố kết quả thi trước thời gian này. Sau khi tập hợp đầy đủ số liệu tuyển sinh của các trường, hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ sẽ họp vào tuần đầu tháng 8 để tư vấn cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản. Sau đó, các trường công bố thí sinh trúng tuyển vào trường mình.

5. Tháng 9-2014: các trường phải nộp phương án tuyển sinh riêng

Theo kế hoạch, đến tháng 9 năm nay các trường phải gửi về bộ đề án tuyển sinh riêng và lộ trình thực hiện tuyển sinh riêng. Các trường phải nêu trong đề án phương thức cụ thể về tuyển sinh riêng của trường mình. Các phương thức này có thể rất đa dạng: tổ chức thi riêng, phối hợp nhiều trường tổ chức thi và sử dụng chung kết quả, xét tuyển từ kết quả kỳ thi quốc gia và bổ sung kiểm tra năng lực... Nếu kỳ thi quốc gia có được sự đồng thuận của xã hội và được triển khai trong năm học tới thì kỳ thi “ba chung” có thể kết thúc sớm hơn dự kiến. Khi đó các trường tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh.

Nguồn tuoitre.vn

 


Ngày gửi: 13/7/2014
Số người đã xem: 826
Trở lại