Chi tiết

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không để người lao động bị bỏ lại phía sau trong CMCN 4.0

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng ngày 13/9/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham gia phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu”.

Phiên thảo luận với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước. Tại đây, các diễn giả đã tập trung thảo luận xoay quanh 4 chủ đề chính: Sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử; Hạ tầng số; Dịch vụ tài chính di động và Dữ liệu xuyên biên giới.

Mở đầu phiên thảo luận, bà Lixin - Giám đốc điều hành của Caixin Global cho biết, ASEAN là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới về kinh tế số, mỗi tháng có 4 triệu người tham gia thị trường số nhưng nền kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP. So với Hoa Kỳ, kinh tế số chiếm 37% cho thấy còn nhiều tiềm năng.

"Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức với dự báo nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi. Vậy điều này tác động đến Việt Nam như thế nào?", bà đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, CMCN 4.0 là một trong những nội dung phát triển quan trọng đối với Việt Nam. Nền kinh tế số, trong đó có CMCN 4.0, sẽ có tác động sâu sắc tới nền kinh tế, chính sách phát triển ngay từ bây giờ và cả trong thời gian tới.

"Cơ cấu nền kinh tế và nhất là cơ cấu lao động cũng sẽ chịu tác động. Với quy mô dân số 100 triệu người dân, do vậy, trình độ lao động của người dân là bài toán quan trọng với Chính phủ", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: "Đồng hành với xu thế phát triển trên thế giới nhưng câu chuyện đảm bảo thị trường lao động cũng là bài toán để đảm bảo sự ổn định chung của đất nước. Vì vậy không thể để người lao động bị bỏ lại phía sau trong cuộc CMCN 4.0".

“Xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ. Từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng...

Do những thay đổi mang tính cách mạng khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp. Công nghệ số ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế, xã hội trên nhiều mặt, lĩnh vực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Dẫn lại một nghiên cứu được Bộ Công Thương thực hiện cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi nghiên cứu ngành công nghiệp may mặc và da giày cho thấy, tự động hoá sẽ làm mất đi tới 86% công ăn việc làm đối với dệt may, 74% da giày trong khi đây là 2 ngành thâm dụng lao động và đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

"Còn những ngành khác như dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp... lại đặt ra cho Việt Nam cơ hội lớn. Bài toán là cân bằng và dung hoà chiến lược phát triển rồi tiếp đó là bài toán hạ tầng, pháp lý, đào tạo nhân lực, tạo ra nhận thức của doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.

Chia sẻ về những cơ hội mà cuộc CMCN 4.0, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Năm 2014, doanh thu bán lẻ TMĐT của Việt Nam ước tính đạt 2,97 tỷ USD, chiếm khoảng 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 29% mỗi năm, đến năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống; an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.

Để phát triển Kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN, trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của TMĐT và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.

Nối tiếp phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Gery A. Mattios - Phó Chủ tịch Tập đoàn Bain, Singapore cũng cho rằng, nền kinh tế số đã tăng rất nhanh trong vài năm qua. Hiện kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GPD của ASEAN nhưng có thể tăng gấp 5 lần, hoặc 10 lần nếu đầu tư tốt vào giáo dục, hạ tầng, chính sách.

"Xu hướng phát triển đang đi lên và ASEAN có thể trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhưng có một số trở ngại từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó từ khoá là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải có sự hợp tác công - tư để vượt qua thách thức", ông Gery nhìn nhận.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm về một số nội dung đáng chú ý như xu hướng số hóa trong khu vực, chiến lược hợp tác giữa các công ty đa quốc gia và các công ty trong nước trong tiến trình số hóa, tiềm năng và sự sẵn sàng đối mặt với CMCN 4.0 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics trong khu vực...

Bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc làm việc song phương với Chủ tịch Điều hành WEF, ông Borge Brende. Tại buổi làm việc, hai Bên ghi nhận quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và WEF trong “Sáng kiến định hình sản xuất tương lai”, Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG), các hoạt động về kinh tế số.

Nhấn mạnh việc tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN 2018 với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0” có ý nghĩa quan trọng cho Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng chủ trương, chiến lược quốc gia về tham gia chủ động và hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị WEF tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xây dựng và thực thi các sáng kiến về kinh tế số và TMĐT.
Ngoài ra, với việc WEF có số lượng thành viên đồ sộ là các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác nhau, Bộ trưởng đề nghị WEF mở rộng triển khai hợp tác trong những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm và còn nhiều tiềm năng như năng lượng mới và năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ...

 

 

Theo Hạ Vũ (Tạp chí Công Thương)

Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/



Ngày gửi: 20/9/2018
Số người đã xem: 738
Trở lại